Chúng ta có phải một dự án cần sửa chữa?
Dưới những tán cây xanh mát, tôi tìm thấy bình yên và tĩnh lặng.
Ảnh: Adam Welch.
Những khái niệm về inner-self, self-love, các liệu pháp chữa lành có lẽ không còn xa lạ với chúng ta, đặc biệt đối với những người quan tâm đến tâm lý học và chữa lành ở thế hệ ngày nay. Chữa lành đứa trẻ bên trong, trở về với bản thể, lắng nghe tiếng nói của trực giác, v.v... hiện nay đã trở thành một xu hướng. Dễ thấy khi chúng ta dạo quanh một lượt youtube, các bài báo và mini talk phỏng vấn những người nổi tiếng, từ người trẻ đến cả những nghệ sĩ gạo cội, họ luôn chia sẻ về nhận thức của mình đối với "đứa trẻ bên trong". Tuy nhiên, liệu "đứa trẻ bên trong" ấy có phải là người luôn bị tổn thương mà chúng ta cần chữa lành?
Đứa trẻ bên trong của bạn có bị lỗi?
Chúng ta đều rõ một điều rằng khi càng trưởng thành, chúng ta bắt đầu lãng quên dần những nhu cầu cá nhân để đáp ứng những tiêu chuẩn chung của xã hội, đây là một cơ chế sinh tồn cơ bản khi là một con người. Xã hội nhỏ đầu tiên mà chúng ta đối mặt đó là gia đình, là họ hàng, là những người thân cận nhất. Khi chúng ta chỉ biết lắng nghe và học tất cả những gì mà người-lớn chỉ dạy, thế giới của chúng ta chỉ biết đúng sai khi người-lớn bảo rằng đâu là đúng đâu là sai, thế nào là hư thế nào là ngoan và chúng ta nên ngoan chứ không nên hư. Đó là những vật liệu đầu tiên dệt nên pattern của chúng ta cho đến chúng ta ở phiên bản hiện tại.
Vậy để có thể nâng cấp chúng ta lên một phiên bản mà chính chúng ta muốn chứ không phụ thuộc vào tiêu chuẩn xã hội, chúng ta lội ngược về thời điểm khi còn bé để dệt lại pattern cho chính mình.
Trước khi đi chữa lành đứa trẻ bên trong, chúng ta cần phải hỏi ngược lại chính mình rằng "bạn có đang là phiên bản lỗi trong mắt bạn ?". Điều này cũng đồng thời nhắc chúng ta định hình lại giá trị của mình là gì trong vũ trụ này. Chúng ta sẽ có giá trị gì khi chúng ta mặc nhiên mình là phiên bản lỗi của tạo hoá cần được đem đi sửa chữa?
Cơ chế của chữa lành.
Hình như chúng ta quên mất rằng chữa lành là tiến trình diễn ra tự nhiên. Ngay cả khi lội ngược dòng về với phiên bản bé nhỏ của chính mình, chúng ta cũng phải làm theo các bước người ta vẽ sẵn để tìm về với đứa trẻ ấy. Bằng một cách nào đó, chúng ta được nhắc nhở rằng hãy lắng nghe đứa trẻ bên trong bằng chính trực giác của mình, và chúng ta đã vô tình dùng logic của người lớn để phán đoán mong muốn của chính mình hồi bé. Chúng ta đều đặc biệt theo cách riêng của mỗi người. Vì vậy sẽ không có bất kỳ một công thức chung hay một lối đi chung nào để tìm về bản thể bé nhỏ của mỗi người.
Và hình như chúng ta đang đánh giá thấp sự sáng tạo của tạo hoá rồi. Một điều kỳ diệu mà chúng ta có, từ thể vật lý cho đến cảm xúc, đó là cơ chế tự chữa lành. Chúng ta đều là những bản thiết kế kỳ diệu của tạo hoá và việc của mình là tạo điều kiện tốt nhất để cơ thể, cảm xúc và tâm trí của mình tự làm việc mà chính nó cần phải làm.
Nói cách khác, chúng ta không cần đè mình ra để chữa lành. Ngay cả khi ta đang đau khổ cùng cực, chúng ta vẫn đang đi đúng đường cần đi.
Làm gì với những tổn thương?
Nỗi đau, tổn thương là tiếng kêu gào nhắc nhở bạn hãy chú ý tới bản thân bạn đi nào, lắng nghe trực giác của bạn đi nào. Như bình thường, bạn đâu chú ý đến cái ngón tay khi chúng vô tình bị cứa, hay ai biết đến cái ruột thừa cho đến khi nó bị viêm đâu nhỉ. Những tổn thương ấy đơn giản là nhắc nhở chúng ta khi dùng dao thì nhớ cẩn thận nhé kẻo bị đứt tay, chú ý ăn uống điều độ kẻo bị viêm ruột thừa. Tương tự với những tổn thương về cảm xúc, tinh thần, tất cả đều có tác dụng nhắc nhở chúng ta quan tâm lắng nghe tới những thứ nhỏ nhất diễn ra xung quanh mình.
Tổn thương không nói rằng ta sai, cũng không là nguyên nhân khiến ta trở thành phiên bản lỗi. Đó chỉ là tiếng nói đưa ta về lắng nghe lại nhu cầu thiết thực nhất cần được đáp ứng của chính mình mà thôi.
Chúng ta đã và luôn luôn là những cá thể toàn năng. Mục đích sau cùng trong tiến trình học cách yêu bản thân là tình yêu thương vô điều kiện. Chấp nhận cả những gì mà xã hội cho rằng đó là yếu điểm. Những pattern đơn giản được thêu dệt từ những gì ta trải nghiệm. Chúng ta hoàn toàn có thể tự dệt nên pattern của mình theo những cách sáng tạo và độc đáo nhất bằng chính những thứ ta có trong tay.
Chúc bạn tận hưởng trọn vẹn cuộc chơi của chính mình!
Viết bởi Nguyễn Phương Thùy.
Ảnh: Adam Welch