Chân thực là điều kiện cốt lõi đầu tiên trong thực hành yêu thương tự thân
Chào mọi người,
Ở cấp độ cá nhân, sự chân thật trong "yêu thương tự thân" đề cập đến sự chân thật của một cá nhân đối với các suy nghĩ, cảm xúc của mình và sự chân thật trong cách mà anh/cô ta để cho chúng bày tỏ ra bên ngoài, bằng lời nói, bằng hành động theo đúng cách mà chúng xuất hiện. Để thực hành "chân thật" đòi hỏi ở chúng ta "sự chấp nhận tuyệt đối" (Acceptance) đối với với các suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động của mình, "sự nhất quán" (Consistence) để không tìm cách can thiệp vào, hay làm khác đi những suy nghĩ, cảm xúc khi chúng xuất hiện, và "sự dũng cảm" (Bravery) cần thiết để có thể chấp nhận tuyệt đối sự có mặt của các cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu trong mình và bày tỏ chính xác, nhất quán các suy nghĩ, cảm xúc thành các dạng biểu đạt bằng lời nói, và hành động ra bên ngoài (Để giúp các bạn dễ nhớ, tớ sẽ gọi nó là nguyên tắc A-C-B).
Để giúp các bạn hiểu rõ, vì sao "Authenticity" lại là điều cần thiết đầu tiên trong thực hành "Self-love", tớ kể ba câu chuyện rất thường gặp trong cuộc sống dưới đây và kết cục của chúng nếu thiếu đi sự chấp nhận, nhất quán, và dũng cảm để các suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn, nhu cầu được bày tỏ ra ngoài bằng lời nói hay hành động đúng như chúng xuất hiện. Xin nói trước, tớ sẽ không đi vào phân tích sâu về nguồn gốc của các vấn đề mà mỗi câu chuyện đề cập để tránh lạc đề và lan man:
Câu chuyện 1: Ở nhà kia có hai anh em. Trong trái tim mình người anh rất yêu thương cô em gái bé nhỏ của mình. Tuy vậy, lời nói và hành động của người anh bày tỏ ra với em của mình là sự cáu giận, là sự từ chối, và những câu nói không mang tính khuyến khích. Thiếu sự chấp nhận đối với các dụng ý thực sự ở mỗi cá nhân, kết hợp với sự không nhất quán giữa suy nghĩ và cảm xúc, không giao tiếp về dụng ý và cảm xúc của mình với người kia đã khiến căng thẳng luôn tồn tại giữa hai anh em. Người anh thất vọng vì em mình không hiểu tình cảm của mình dành cho nó, và người em thì bất mãn không hiểu vì sao trong khi nói là yêu em mà ông anh lại luôn cáu bẳn, nhăn nhó, khó chịu với em.
Câu chuyện 2: Có một cặp vợ chồng rất yêu thương nhau. Đặc điểm công việc đòi hỏi người chồng phải làm việc tại công sở 10 tiếng mỗi ngày, trong khi người vợ ở nhà. Về phía người chồng, lịch làm việc trong ngày căng thẳng, dày đặc khiến thời gian dành cho việc giao tiếp và tương tác, trao đổi cảm xúc với vợ ngày càng ít đi. Về phía người vợ, nỗi sợ mình làm phiền chồng, khiến anh sao nhãng công việc đã khiến chị dừng việc bày tỏ nỗi nhớ của mình qua những tin nhắn mà chị đã dự định nhưng không gửi cho anh trong ngày. Lâu dài, nhu cầu chia sẻ, được chia sẻ, thể hiện cảm xúc giữa hai vợ chồng không được bày tỏ và đáp ứng đã tạo ra sự căng thẳng vô hình giữa hai vợ chồng.
Câu chuyện 3: Một người mẹ và một cô con gái (cháu Y) nấu ăn rất ngon, thích sáng tạo các món ăn. Trong một buổi ăn trưa mà tớ có mặt, người mẹ cầm chai mật ong nói "Y rất hay sáng tạo các loại nước sốt, cháu đã dùng gần hết chai mật ong của chị rồi. Bình thường, chị phải mất cả năm mới hết chai mật ong này". Nghe mẹ nói vậy, Y bắt đầu phân bua "Mẹ nói thế nào ấy chứ, con mới chỉ dùng một ít thôi mà". Nghe cuộc hội thoại của hai mẹ con, tớ hỏi người mẹ “khi chị nói thế, dụng ý thực sự của chị là muốn khen con và thể hiện sự tự hào của chị về con, hay là chị muốn phê phán cháu?" Chị trả lời "Chị có ý khen con đấy!". Nghe mẹ trả lời cô đến đây,Y đã dừng lại, không tiếp tục phản ứng lại một cách căng thẳng với lời nói trước đó của mẹ nữa.
Có một điểm chung trong cả ba câu chuyện trên: Việc không chấp nhận các cảm xúc, nhu cầu của bản thân khi chúng xuất hiện, kết hợp với nỗi lo sợ mơ hồ dựa trên một hiểu nhầm mang tính xã hội rằng "bày tỏ cảm xúc một cách chân thực là mềm yếu, vì thế là điểm yếu", và sự thiếu nhất quán trong việc bày tỏ, tìm cách đáp ứng chính xác các suy nghĩ, cảm xúc qua ngôn ngữ và hành động ở người anh, người mẹ, người vợ, người chồng đã khiến tình yêu thương của họ không chạm tới được trái tim của/không được bày tỏ đến người nhận.
Trong xã hội hiện tại của chúng ta, thực hành "chân thực" có dễ không? Khó đấy! nhưng chân thực, và việc nuôi dưỡng và thực hành các đức tính là nội hàm của nó bao gồm "sự chấp nhận tuyệt đối", "sự nhất quán", "sự dũng cảm" lại là các điểu kiện mấu chốt để tạo ra một con người hạnh phúc, bởi yếu tố đầu tiên tạo nên cảm xúc "hạnh phúc", và để cảm xúc này trở thành một đặc tính hữu cơ, gắn liền một cách lâu dài với một con người là việc/khi họ được là chính mình một cách nhất quán, dũng cảm nhất, và khi điều này được chấp nhận tuyệt đối bởi họ, và những người xung quanh.
Đặng Bảo Nguyệt