This ordinary sunset photo from Ko Samui can become a wellspring of countless stories when seen through a child's eyes

Chúng ta đã đi lùi với sự tiến hoá của linh hồn mình ra sao?

This ordinary sunset photo from Ko Samui can become a wellspring of countless stories when seen through a child's eyes

Chúng ta đã đi lùi với sự tiến hoá của linh hồn mình ra sao?

Hãy nhớ lại lần đầu tiên chúng ta đến với thế giới này…

Từ khi mới sinh ra đến ba tuổi, chúng ta đã trải nghiệm những cảm xúc thuần khiết nhất: Chúng ta mỉm cười khi cảm thấy yêu thương và hạnh phúc, chúng ta khóc lên khi có điều gì đó làm phiền hoặc khó chịu, chúng ta tìm kiếm tình yêu và sự chú ý từ cha mẹ và người chăm sóc khi chúng ta cảm thấy cần thiết. Chúng ta lớn lên và phát triển tự do, như những cây nhỏ khao khát, kiên cường vươn lên đón ánh nắng mặt trời. 

Chúng ta có tất cả những gì cần thiết để sẵn sàng bước vào một thế giới đầy những khám phá và cuộc phiêu lưu tuyệt vời…

Từ ba đến năm tuổi, thế giới của chúng ta là một bức tranh kỳ diệu. Trong bức tranh đó, các nàng tiên nhảy múa, các anh hùng ngạo nghễ bước đi trong tiếng kèn mừng chiến thắng. Chúng ta trò chuyện với động vật, lắng nghe những câu chuyện trong tiếng sủa hào hứng của chó, và cảm thông với nỗi buồn lặng lẽ của một cái cây lâu ngày không được tưới nước. 

Khi chúng ta thức dậy mỗi buổi sáng, ánh nắng mặt trời âu yếm hôn lên khuôn mặt chúng ta, nuôi dưỡng cơ thể và tâm hồn. Suốt cả ngày, chúng ta lang thang như thể đang bay lượn giữa những đám mây, đôi chân hầu như không chạm đất trong điệu nhảy của niềm vui thuần khiết.

Khi màn đêm buông xuống, chúng ta tìm thấy mình trong vòng ôm của bầu trời, hòa mình vào vô số ngôi sao hoặc tắm trong ánh sáng bạc của mặt trăng. Bầu trời lấp lánh trở thành nơi trú ẩn của chúng ta, một nơi chúng ta sống hòa quyện, mãi mãi kết nối trong bao la của vũ trụ.

Chúng ta sống trong một thế giới mà ở trong đó, khả năng và cơ hội là vô hạn, và chúng ta có thể trở thành bất cứ những gì mà trí tưởng tượng đưa chúng ta tới…

Sau đó, khi đến tuổi đi học, lúc đó, chúng ta bước sang tuổi thứ sáu hoặc bảy...

Chúng ta bắt đầu khám phá thế giới thông qua những tương tác với những người bạn hàng xóm, bạn cùng lớp và giáo viên. Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng bạn bè của mình không phải lúc nào cũng cảm nhận, suy nghĩ, biểu hiện hoặc hành động giống như chúng ta. Những khác biệt - hoặc điểm tương đồng - có sức mạnh đủ để bạn bè hoặc chấp nhận, hoặc không chơi với, hoặc thậm chí không cho phép chúng ta được vào thế giới của họ.

Tại trường và trong lớp học, chúng ta bắt đầu được dạy về thế giới dựa trên những cuốn sách giáo khoa đã được một vài người viết sẵn. Khả năng độc đáo của mỗi người bắt đầu được đánh giá thông qua hệ thống những bài kiểm tra đã được quy chuẩn hoá vốn chỉ tập trung đánh giá xem chúng ta đã có thể nhắc lại đầy đủ ra sao những gì đã được dạy. Các giáo viên bắt đầu so sánh chúng ta với người khác và đối xử khác biệt dựa trên thành tích học tập và nhận thức của họ về chúng ta là học sinh ngoan hay học sinh nghịch ngợm trong con mắt của họ…

Ở nhà, cha mẹ và những thành viên có ảnh hưởng trong gia đình bắt đầu so sánh chúng ta với anh chị em, bạn bè. Họ bắt đầu sử dụng các kỳ vọng, các hình thức trừng phạt khác nhau, thái độ nghiêm khắc, hay những lời nói có thể gây tổn thương trong nỗ lực dạy dỗ chúng ta.

Chúng ta được dạy phải tuân theo kỳ vọng xã hội về một "người tốt", và việc tự do biểu đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình được coi là yếu đuối, đáng xấu hổ và xấu xa. Chúng ta được cảnh báo rằng việc trung thực về bản thân sẽ khiến chúng ta bất lợi.

Điều này dẫn chúng ta đến việc nói dối, cảm thấy tổn thương, xấu hổ, buồn bã, thiếu tự tin và trải qua tình trạng tự ti. Chúng ta trở nên sợ hãi mắc lỗi và sai lầm.

Khi bước vào tuổi thanh thiếu niên, những năm cuối cấp của trường trung học, chúng ta nhìn nhận đam mê và ước mơ của mình qua những khát vọng tan vỡ của cha mẹ và người chăm sóc. Vì họ không thể thực hiện được giấc mơ của mình, chúng ta cảm thấy mình phải có trách nhiệm thực hiện các ước mơ này của cha mẹ.  

Chúng ta bắt đầu cảm thấy lạc lõng - mất đi cảm hứng, mất đi động lực cá nhân, mất đi nhận thức về sứ mệnh riêng của bản thân trong cuộc sống, và lạc hướng - nhưng chúng ta cố gắng sống đúng với kỳ vọng của cha mẹ/người chăm sóc…

Khi vòng tròn xã hội của chúng ta mở rộng, chúng ta bỏ lại tuổi thơ phía sau, bước vào cuộc sống độc lập và gặp gỡ tình yêu đầu đời. Ở đây, chúng ta thường thấy mình lặp lại quan điểm và trải nghiệm của cha mẹ về các mối quan hệ. Đôi khi, một cách vô thức chúng ta tái hiện lại những tổn thương mà chúng ta đã chứng kiến ở cha mẹ hay những người có ảnh hưởng đến chúng ta trong thời thơ ấu.

Sau đó khi chúng ta trở thành người lớn…

Chúng ta thấy mình đang theo đuổi định nghĩa về thành công theo quan điểm của xã hội, mưu cầu thu nhập cao, địa vị xã hội và chính trị, sở hữu những thứ xa xỉ, và những kỳ nghỉ lãng mạn, sang trọng. Trong hành trình khẳng định sự "thành công" của bản thân, chúng ta chìm đắm trong các câu lạc bộ xã hội và nhóm bạn bè "cùng đẳng cấp", chúng ta coi đây là cách thể hiện đẳng cấp và các thành tựu của mình.

Ngược đời thay, càng cố gắng, chúng ta cảm thấy càng trống rỗng. Chúng ta mất sự kết nối với chính bản thân mình trong nỗ lực được công nhận bởi bạn bè và xã hội, chúng ta không còn cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự hài lòng mà những thành tựu đem đến cho mình. Lúc này, các cảm xúc và trạng thái mệt mỏi bắt đầu tìm tới chúng ta trong mỗi giờ, mỗi ngày. Thời gian mà chúng ta dành cho bản thân mình cũng trở thành một thứ xa xỉ hiếm hoi. Sự nhận thức về bản thân và các nhu cầu của nó, và việc chăm sóc bản thân thường bị lu mờ bởi những trách nhiệm mà chúng ta khoác lên vai, chúng tạo ra sự căng thẳng mạn tính. Chúng ta ngày càng xa rời bản thể hồn nhiên và vui tươi của chính mình. Dần dần, một cảm giác tách biệt và mệt mỏi sâu sắc đưa chúng ta vào trạng thái trầm cảm. Chúng ta ngày càng cảm thấy xa rời cái bản thể thuần khiết của mình, và cuối cùng là, với những người mà chúng ta yêu thương nhất.

Trong nỗ lực tìm lại cảm giác kết nối, chúng ta đã thử nhiều phương pháp khác nhau, chỉ để phát hiện rằng những nỗ lực của mình dường như đẩy chúng ta xa hơn khỏi tình yêu và đam mê mà chúng ta từng trân trọng…

Đây là khoảnh khắc khi cuộc khủng hoảng về "Tôi" bắt đầu.

Cuộc khủng hoảng về "Tôi" bắt đầu khởi động các khủng hoảng về "Tôi" trong mối liên hệ với những "Khác".  Chúng ta bắt đầu trải qua nhiều cuộc khủng hoảng với những người hoặc điều mà sự hiện diện và vai trò của họ trong cuộc sống của chúng ta luôn luôn liên kết với "Tôi".

Các cuộc khủng hoảng đầu tiên thường xảy ra với những người mà chúng ta có mối liên hệ thân thuộc, gần gũi nhất, ví dụ như các thành viên trong gia đình, cha mẹ, vợ, chồng và con cái. Sau đó là vấn đề liên quan đến công việc, bạn bè và vòng tròn xã hội mà chúng ta ở trong đó. Chúng ta chỉ nhìn thấy, và chứng kiến, tham gia vào sự hỗn loạn của thế giới ngoài chúng ta mà không nhận ra rằng, thực tế, tất cả sự hỗn loạn bên ngoài này đều phản ánh sự hỗn loạn bên trong chúng ta ở các mức độ khác nhau.

Trong bối cảnh của nhiều cuộc khủng hoảng, chúng ta trải qua hiệu ứng domino của sự sụp đổ. Nhiều niềm tin mà chúng ta đã nắm giữ, những thứ chúng ta đã nghĩ rằng chúng là của chúng ta và là vĩnh viễn, rằng chúng đại diện cho sự thật cuối cùng, rằng chúng là thực sự, bắt đầu phai nhạt rồi biến mất. Xã hội gọi đó là "cuộc khủng hoảng giữa tuổi trung niên."

Không, chúng ta không cần phải đợi đến tuổi trung niên để trải nghiệm khủng hoảng!

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng cuộc sống này không phải là một đường thẳng tuyến tính, chúng không giống nhau cho mọi người.

Với sự độc đáo và riêng biệt của mỗi cá nhân, nhiều người trong số chúng ta đã phải đối mặt với các dạng và mức độ khác nhau của cuộc khủng hoảng ở độ tuổi trẻ hơn.

Sự cô lập từ bạn bè và những trừng phạt nghiêm khắc "đội lốt" giáo dục từ cha mẹ và người chăm sóc đã khiến nhiều trẻ em thu mình vào và chọn sống trong thế giới riêng của mình như một cơ chế sống còn và tự bảo vệ. Điều này xảy ra quá sớm đã đẩy trẻ vào tình trạng hoàn toàn cô lập, bị kẹt trong thế giới riêng của chúng.

Kỳ vọng cao, không lành mạnh, gắn với thiếu sự thấu hiểu, thiếu quan tâm và việc bày tỏ tình yêu thương không phù hợp của cha mẹ với con cái họ đã góp phần vào việc khiến nhiều thanh thiếu niên rơi vào các giai đoạn trầm cảm khác nhau, hoặc sa vào các chứng nghiện ngập.

Ở trong cảm xúc có lỗi, xấu hổ, quá nhiều trách nhiệm, cùng với việc thiếu cách bày tỏ và giải toả cảm xúc và tinh thần, thiếu tình yêu và chăm sóc dành cho bản thân đã đẩy nhiều người trưởng thành vào tình trạng căng thẳng sâu, lo âu hàng ngày. Những người mà tình trạng lo lắng của họ bắt đầu được gán nhãn là "rối loạn lo âu" một lần nữa bị xã hội xa lánh. Trong khi, trên thực tế, tình trạng này đơn giản chỉ là một trạng thái mà người trong cuộc đã không có một kiến thức và kỹ năng để quản lý căng thẳng một cách hiệu quả...

Sự bối rối mãn tính của tâm trí, suy nghĩ, trái tim, cảm xúc và cơ thể, hành động, và sự thiếu nhất quán giữa chúng cùng với việc chúng không được chúng ta chăm sóc, đáp ứng nhu cầu đúng cách, đã biến thành các bệnh mãn tính và thậm chí là những ung thư chết người.

Chúng ta bắt đầu rơi vào hố sâu không đáy của đau đớn, nỗi sợ hãi, cảm giác tội lỗi, xấu hổ và nỗi đau... Chỉ từ cái đáy này chúng ta mới bắt đầu hỏi, "Điều gì đã xảy ra?" "Điều đó có ý nghĩa gì?" "Tôi phải làm gì để thay đổi/chuyển hoá hiện thực của mình?"

Tất cả những câu hỏi này dẫn chúng ta trở lại với câu hỏi cốt yếu về "Tôi": "Tôi là ai?" "Bản chất của hạnh phúc, sự hài lòng hay cảm giác viên mãn thực sự là gì đối với TÔI?" "Từ khi nào tôi đã bị tách rời khỏi bản thể riêng của mình?" và "Tôi có thể làm gì để kết nối lại với nó?"

Chúng ta bắt đầu chịu trách nhiệm đầy đủ cho cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta bắt đầu phải học làm sao để học-lại, làm lại, và loại bỏ mọi lớp mặt nạ của những "TÔI" không phải là mình mà chúng ta đã xây dựng dựa trên góc nhìn và quan điểm của những cái "KHÁC" về bản thân mình phải là, những cái khác, không gắn với một TÔI chân thực và giản dị mà chúng ta đã bắt đầu phải sống theo từ khi chúng ta mới chỉ 6 hoặc 7 tuổi. 

Và một lần nữa, từ đây, linh hồn của chúng ta bắt đầu dẫn dắt chúng ta trên con đường của sự tiến hóa to lớn của chính mình — một hành trình độc đáo mà linh hồn đã viết ra đặc biệt cho chúng ta, một con đường mà chúng ta nhẽ ra đã bắt đầu đi từ rất lâu, từ khi chúng ta còn ở độ tuổi từ 0 đến năm tuổi.

Đặng Bảo Nguyệt